Tin Thường Ngày.

Các Tin Tức Thường ngày trong cuộc sống chúng ta.

Tin Tức, Chuyện Lạ, Người đẹp

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Quan huyện, xã quyết cưỡng chế... 2 hòn đá của dân


Quan huyện, xã quyết cưỡng chế... 2 hòn đá của dân

Chỉ vì 2 hòn đá người dân đào được cách đây 3 năm mà chính quyền huyện Chư Sê (Gia Lai) dẫn cả đoàn tới nhà dân để khống chế, ép thu hồi bằng được 2 hòn đá mà không hề giải thích rõ ràng. Việc làm này đã khiến hàng trăm người dân chứng kiến phẫn nộ, bất bình và kịch liệt phản đối.
Cưỡng chế bằng được... hai hòn đá
Sáng ngày 29/3/2012, nhiều người dân xã HBông, huyện Chư Sê phản ứng gay gắt về việc chính quyền huyện Chư Sê đưa người cưỡng chế thu hồi hai hòn đá của một người dân mà không có lý do.
Người dân vây quanh hòn đá đã được kéo ra đường.
Người dân vây quanh hòn đá đã được kéo ra đường.
Chứng kiến hàng trăm người dân hiếu kỳ của xã HBông đang vây kín trước ngôi nhà ông Lê Hùng Dũng ở thôn La Sa (sát quốc lộ 25), làm cả một đoạn đường dài trên quốc lộ giao thông đi lại rất khó khăn. Bên cạnh là các thành phần lãnh đạo của chính quyền địa phương 2 cấp (huyện-xã).
Dưới sự chỉ đạo của chính quyền, nhiều cán bộ xã - huyện dùng mọi biện pháp để khống chế kéo hòn đá còn lại đang nằm trong sân nhà ông Dũng để chở về UBND huyện sau khi đã kéo được một hòn ra ngoài đường.
Hai vợ chồng ông Dũng dang tay giữ chặt cửa cổng ngôi nhà rộng chừng 8m, quyết giữ bằng được hòn đá còn lại không cho chính quyền kéo đi.
Vợ chồng ông Dũng kể lại: Gia đình ông có một lô đất rộng 7.000m2 gần nhà đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cách đây 3 năm (2009), gia đình ông đào ao để lấy nước tưới cho cây tiêu đã trồng trên lô đất ấy. Trong khi đào ao, gia đình ông đã phát hiện 2 hòn đá có màu sắc đẹp. Ông gọi một số hộ dân thân cận ra xem xét rồi thuê xe kéo về để ở sân nhà.
Hòn đá thứ 2 không thể cưỡng chế đang nằm trong sân nhà ông Dũng.
Hòn đá thứ 2 không thể cưỡng chế đang nằm trong sân nhà ông Dũng.
Từ đó cho tới nay, 2 hòn đá vô tri vô giác có màu sắc khác thường ấy nằm chình ình trước sân chẳng ai hỏi một lời, kể cả chính quyền các cấp. Đùng một cái, sáng 29/3 (tức sau hơn 3 năm), vợ chồng ông đang ở nhà thì thấy các vị quan huyện dẫn theo đoàn vào nhà lập văn bản thu hồi.
Là người dân làm nông, ít am hiểu về luật pháp nhưng vợ chồng ông cũng không chấp nhận để cho chính quyền thu không như vậy được.
Trước tình hình trên, các vị quan xã được huyện triệu tập và đội quân an ninh của xã cũng được huy động để hỗ trợ nhằm mục đích cưỡng chế bằng được 2 hòn đá. Ông Bùi Sỹ Nguyên, Chánh văn phòng UBND huyện Chư Sê tiến hành lập biên bản với nội dung gia đình ông bà đã tàng trữ tài nguyên khoáng sản không rõ nguồn gốc và cho rằng đây là tài sản quốc gia nên phải thu hồi (?!).
Trước sức ép quá lớn của các cấp, sợ hãi quá, gia đình ông Dũng đã năn nỉ xin lại một hòn để chơi, còn một hòn đành chấp nhận nộp cho UBND huyện chở về.
Tuy nhiên, biên bản mà ông Nguyên lập thu hồi hòn đá chỉ có duy nhất một bản chứ không trích sao bản thứ 2 để gia đình ông giữ làm bằng chứng nên ông Dũng không nhất trí. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Phó chủ tịch thường trực UBND huyện tiến hành cưỡng chế luôn cả hòn đá thứ 2 nhưng không thành. Ông Nguyên tiếp tục tiến hành lập biên bản và vẫn khẳng định là 2 hòn đá trên là loại khoáng sản không rõ nguồn gốc.
Không đồng ý với biên bản thứ 2 được lập, ông Dũng dứt khoát không ký tên và biên bản lần thứ 3 tại tiếp tục được lập nhưng vẫn không có chữ ký của ông Dũng. Thế là đoàn cưỡng chế đành kéo nhau đi và bỏ lại hòn đá trơ trọi giữa đường trước sự ngơ ngác của hàng trăm người dân chứng kiến.
Một số người dân chơi đá cho biết, 2 hòn đá của ông Dũng thuộc loại đá casidol – loại đá phong thủy đang được giới chuyên chơi đá săn lùng. Tuy nhiên, vì chất liệu đá còn xấu nên trong suốt 3 năm qua, 2 hòn đá vô tri vô giác của ông Dũng để ngay trong sân nhưng không được ai hỏi han đến.
Công an thấy không nên làm, nhưng phải chấp hành mệnh lệnh
Tiếp xúc với chúng tôi, hàng trăm hộ dân không ai không bức xúc và cho rằng chính quyền làm như vậy là ép dân quá mức. Chị Hoàng Thị Kim Chung (29 tuổi) người dân sát vách kề tường với hộ ông Dũng, người chứng kiến từ đầu đến cuối vụ cưỡng chế 2 hòn đá đã bày tỏ niềm bức xúc khi chứng kiến cách hành xử của chính quyền.
Hòn đá đã được kéo ra đường và 2 vợ chồng ông Dũng đang đứng phía sau cánh cửa sắt để canh giữ hòn đá còn lại phía trong sân.
Hòn đá đã được kéo ra đường và 2 vợ chồng ông Dũng đang đứng phía sau cánh cửa sắt để canh giữ hòn đá còn lại phía trong sân.
Cũng như chị Chung, anh Nguyễn Phi Hùng (37 tuổi) trú thôn Kte 2; anh Nguyễn Tiến Dũng (33 tuổi) trú cùng thôn và rất nhiều người dân từng chứng kiến đã bày tỏ với chúng tôi rằng chính quyền làm như vậy là sai nguyên tắc, quan liêu, chèn ép dân quá đáng nên họ đều không thuận với cách giải quyết như vậy.
Nhiều ý kiến người dân lại cho rằng 2 hòn đá do người dân tìm được trên đất của mình tuy không biết đó là loại đá gì, có quý hiếm không, đơn giản là thấy hay hay, đẹp đẹp đã sẵn sàng bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để thuê máy móc, phương tiện đưa về nhằm mục đích chơi cảnh cho đẹp chứ không buôn bán gì.
Nhưng chính quyền 2 cấp lại đùng đùng dẫn cả đoàn đông đảo như vậy xuống chỉ với một mục đích duy nhất là thu hồi bằng được 2 hòn đá. Đó là một việc làm không đáng, cần phải xem xét lại.
Ông Phạm Minh Hùng, Trưởng Công an xã HBông cho rằng: “Việc làm này là hoàn toàn thực hiện mệnh lệnh theo sự chỉ đạo của huyện, còn đối với ông là Trưởng công an, ông cũng phải chấp hành theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã mà thôi”.
Còn việc nên thu hồi hay không nên thu hồi, thu như vậy đúng hay sai? Ông Hùng cho rằng: “Đá của dân tìm được đã lâu, nên để cho dân sử dụng trưng bày làm cảnh cho vui chứ không nên thu. Bởi theo ông hiện nay người dân chơi đá cảnh rất nhiều nên dân tìm được là để cho dân, còn việc đúng hay sai ông chỉ trả lời việc làm trên của huyện ông không biết".
Trước đó, tối 28/3, các cấp chính quyền của huyện này cũng đã tiến hành thu hồi một hòn đá khác của hộ gia đình chị Trần Thị Sắc (42 tuổi) trú cùng thôn La Sa. Khi hộ gia đình chị đào ao lấy nước tưới cây hồ tiêu ở khu vườn kế bên vườn nhà ông Dũng đã phát hiện ra hòn đá cũng gần giống 2 hòn đá nhà ông Dũng.
Gia đình chị thấy đẹp nên đã thuê xe chở về gửi nhờ ở nhà chị Nhung. Sau đó bị đoàn quân của huyện phát hiện và thu giữ chở về huyện để đưa đi giám định xem loại đá gì (?!).
Tuy đã chấp hành nhưng tiếp xúc với chúng tôi, chị Sắc tỏ ra bức xúc, cho rằng UBND huyện làm như vậy là ép chị. Bởi vì theo chị, để đưa được hòn đá về tới nơi chị đã tốn rất nhiều công sức và tiền của. Chị chỉ mong sớm được trả lại hòn đá trên chứ thu không của chị như vậy là rất bất công.
Vài năm trở lại đây, địa bàn tỉnh Gia Lai đang rộ lên phong trào chơi đá cảnh, đá phong thủy. Xã H’bông là địa bàn được có nhiều đá phong thủy nên giới chơi đá thường về đây để tìm mua. Người dân trong vùng cũng thường xuyên đi đào bới, tìm đá đem về bán, thậm chí có những cơ sở chuyên thu gom đá về để chế tác buôn bán… Tuy nhiên, việc này vẫn chưa thấy các cấp chính quyền ngăn cấm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét