Tin Thường Ngày.

Các Tin Tức Thường ngày trong cuộc sống chúng ta.

Tin Tức, Chuyện Lạ, Người đẹp

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Cậu bé 6 tuổi nhiễm HIV sống một mình trên núi


Cậu bé 6 tuổi nhiễm HIV sống một mình trên núi

21.11.2012 13:00 
Ấy vậy mà cậu bé A Long chưa bao giờ thấy khỗ. Mỗi ngày em vẫn tự tắm rửa, giặt giũ quần áo, nấu ăn, một mình nuôi gà, nuôi chó, một mình chong đèn học chữ rồi lại một mình đi ngủ.
Lúc còn nhỏ ai cũng từng nhõng nhẽo xin cha mẹ mua đồ chơi, đòi mẹ nấu những món ăn ngon, hí hửng nhận tiền tiêu vặt mà bà ngoại bí mật dúi cho, rồi rủ bạn bè đi ăn kem hay chơi điện tử. Thỉnh thoảng, không được chiều theo ý thích, chúng ta thở dài, than rằng: “Làm trẻ con sao mà khổ thế!”. 

Ấy vậy mà cậu bé A Long chưa bao giờ thấy khỗ. Mỗi ngày em vẫn tự tắm rửa, giặt giũ quần áo, nấu ăn, một mình nuôi gà, nuôi chó, một mình chong đèn học chữ rồi lại một mình đi ngủ. Tự sinh tồn trên ngọn núi cao đến người trưởng thành còn chưa chắc làm được, song cậu bé nhiễm HIV tên A Long năm nay chỉ mới tròn 6 tuổi đã làm được mọi điều trong ánh sáng lạc quan kỳ diệu.

“Ngôi nhà” chơ vơ trên núi

Ngôi làng nhỏ xíu Ngưu Xa nằm sát ngọn núi Mã Lộc ở thành phố Liễu Châu, Trung Quốc. Con đường xi măng bắt đầu từ chân núi, chạy dần lên trên, 2 bên nhà cửa san sát. Càng lên cao, đường càng hẹp và trở nên gập gành hơn, các ngôi nhà cũng thưa thớt dần. Đến lưng chừng núi đã gần như không còn thấy bóng người. 

 
Hình minh họa

Tất cả những gì còn lại là một con đường đất bẩn thỉu, xung quanh mọc đầy cỏ dại, bốn bề vắng lặng và hoang vu.  Nhưng nếu cứ tiếp tục đi, kiên trì men theo con đường đất đó lên cao nữa, người ta sẽ tìm được một ngôi nhà nhỏ nằm chơ vơ, đơn độc giữa rừng núi. Gọi là nhà, kỳ thực đó chỉ là 3 khối xi măng rỗng, lợp mái tôn, khoét một khoảng trốn chui ra chui vào và thậm chí còn không có cửa sổ. Trông lụp xụp thế thôi nhưng đó hoàn toàn không phải là nhà hoang hay căn chòi cho nhưng người đi săn nghỉ chân. Đây là nơi sinh sống của cậu bé A Long 6 tuổi.

Gian nhà chính tương đối đầy đủ với vài viên gạch dựng thành cái bếp. Chiếc bô sứ đặt trong phòng gọi là … “nhà vệ sinh”. Đó là “phòng ngủ” của A Long. Còn 2 gian khác xây kế bên thì luôn đóng cửa im ỉm. Mặc dù, cánh cửa gỗ đã xiêu vẹo và cũng chẳng có khóa nhưng đã từ lâu lắm rồi, không ai lăng vẳng đến gần nữa. Hồi nhỏ, A Long từng sống trong những gian phòng này, nhưng kể từ khi cha em qua đời ở đây, em không một lần bước chân vào nữa. Có lẽ trong thâm tâm, cậu bé cảm thấy như linh hồn cha vẫn đang ngủ say.

Bình thường, A Long dành phần lớn thời gian quanh quẩn trong khoảng sân nhỏ phía trước ngôi nhà cùng chú chó mà cậu gọi tên là Lão Hắc. Ngày nào cũng vây, A Long ôm Lão Hắc ngồi hàng giờ liền, hướng ánh mắt buồn bã và trống rỗng nhìn xa xăm con đường vắng dẫn tới thế giới rộng lớn ngoài kia. Từ sau khi cha cậu qua đời, cậu bé chưa một lần xuống núi. 

Khi nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của người đàn ông cùng một người phụ nữ mà A Long vẫn gọi là “chú” và “dì” từ xa tiến tới, em tỏ ra rất vui mừng. Kỳ thực, cả 2 đều không có họ hàng gì với cậu bé. Họ chỉ là những cán bộ ủy ban xã thương cảm cho hoàn cảnh của em nên thỉnh thoảng lại ghé thăm. “Chú” và “dì” mang cho cậu bé hộp bánh quy và nải chuối, rất tự nhiên đặt chúng xuống bàn. Họ dặn em đừng có mà ăn bánh thay cơm. Cậu bé gật đầu, toét miệng cười sung sướng.

Hàng tháng A Long nhận được 70 nhân dân tệ (khoảng 230.000 đồng) tiền trợ cấp đói nghèo và sẽ tăng lên thành 100 nhân dân tệ (hơn 300.000 đồng) vào năm tới. Người của ủy ban vẫn lĩnh giúp rồi đích thân mang đến tận nhà cho em. Số tiền này cũng đủ cho cuộc sống đạm bạc của A Long. Thêm vào đó, nhiều nhà hảo tâm biết đến hoàn cảnh của em cũng gửi chút tiền giúp đỡ. 

Vì vậy, cậu bé không phải lo lắng đến chuyện mua thức ăn hay quần áo, cũng chẳng sợ đói rét. Thế nhưng, về mặt giáo dục hay chăm sóc y tế thì chính quyền địa phương hầu như chẳng thể giúp gì cháu, bởi kỳ thực A Long không hoàn toàn là trẻ mồ côi. Dù cha mẹ đều đã mất, em vẫn còn vài người họ hàng khác.

Số phận bất hạnh của A Long

Cha của A Long vốn sinh ra ở làng này. Ngày còn trẻ, ông đi tha phương cầu thực ở tận đâu đâu, có đến mười mấy năm trời người làng không thấy mặt, đến lúc trở về lại mang theo một người vợ chẳng rõ gốc gác. Cha mẹ A Long cũng muốn tần tảo làm ăn, sống một cuộc sống bình dị như bao gia đình khác ở đây. 

Thế nhưng, miệng lưỡi thế gian vốn ác độc. Lại nghe đâu thời gian xa quê, ông từng vào tù ra tội đôi lần. Thành ra, dẫu có cố gắng thế nào họ vẫn không sao thoát được những định kiến của người đời. Sáu năm trước, hai vợ chồng đã chọn nơi hoang vắng này, cất một ngôi nhà hoàn toàn tách biệt để tránh những ánh nhìn dè dặt cùng thái độ lạnh nhạt từ hàng xóm láng giềng xung quanh. Họ sống ở đây cho đến khi qua đời, bỏ lại mình cậu bé A Long.

Bây giờ, người thân duy nhất còn gần gũi với em là bà nội đã 84 tuổi. Cứ vài ngày, bà lại tới thăm đứa cháu nhỏ một lần. Những hôm như thế, bà cụ sẽ thay A Long cho gà ăn và nấu bữa tối, còn em thì được rảnh rang chơi thêm chút nữa. Bà nội trồng cho A Long hai luống rau nhỏ trong vườn, một bên là bắp cải, một bên là hành tây. Vườn rau nhỏ này cũng đủ cho một mình cậu bé ăn rồi. 

Bà cụ đang sống cùng gia đình của một người con trai khác, tức là chú ruột của A Long. Từ nhà phải đi bộ một đoạn khá xa, đường sá lại gập ghềnh nên không phải ngày nào bà cũng đến chăm sóc cho bé được. Chính quyền xã từng đề nghị bà cụ dọn lên đây ở cùng A Long cho tới khi em khôn lớn. Nhưng bà thừa nhận, bản thân mình cũng thấy sợ hãi nếu phải sống ở nơi hoang vu, trống trải như thế này. Có người hỏi, sao bà không mang cháu trai xuống núi, tới nương nhờ nhà người chú luôn? Cụ cúi đầu không đáp, nước mắt rơm rớm trên gương mặt già nua, âu sầu.

A Long không biết gì nhiều về những người bà con mà em có. Các chú, các dì ở ủy ban xã gần như là gia đình của cậu bé, bởi họ thực lòng quan tâm và lo lắng cho em. Mỗi lần đến thăm, họ đều mang cho A Long thức ăn ngon, quần áo mới và cậu nhóc vui lắm. Cách đây không lâu, trời đột nhiên rét dậm kéo dài, một dì ở ủy ban đêm nào cũng lặn lội leo lên tận đây để tiếp tế chăn màn với quần áo ấm cho em. Ngoài ra, thỉnh thoảng cũng có những người lạ mặt tốt bụng tìm tới nhà, tận tình hỏi han và chơi với cậu bé một lúc. Số tiền họ cho A Long chẳng biết tiêu gì bởi em chưa hề có ý định xuống núi.

Nỗi bất hạnh của A Long không chỉ ở chỗ thiếu vắng sự yêu thương, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Em còn mang trong mình virus HIV. Năm ngoái, trước khi qua đời, mẹ của A Long bị ốm rất nặng. Cơ thể héo quắt, gầy nhom và yếu ớt đến mức người làng đều nghĩ cô bị mắc căn bệnh lao. Sau đó không lâu, đến lượt cha của A Long có các triệu chứng tương tự. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, người đàn ông vạm vỡ đó chẳng còn gì ngoài bộ da bọc xương. Dân làng bắt đầu thì thầm với nhau rằng, cả hai vợ chồng đều mắc căn bệnh AIDS. Và tin đồn đã được xác thực khi cha của A Long phải nhập viện. Một đứa trẻ mới có sáu tuổi đầu làm sao hiểu được bệnh AIDS nghĩa là gì. A Long chỉ biết rằng cha bị ốm giống mẹ và rồi cũng sẽ chết giống như vậy.

Trước khi mất, cha của A Long yếu ớt tới mức không thể nào rời khỏi giường chứ đừng nói đến việc chăm sóc cho đứa con trai nhỏ. Lúc ấy, em vẫn chưa biết tự nấu nướng, chỉ có thể sống dựa vào sự giúp đỡ của cô Lượng, một người bạn cũ của cha mẹ A Long sống cách đó không xa. Vào một buổi trưa tháng bảy, đã quá giờ cơm mà vẫn chưa thấy cậu bé đến lấy đồ ăn như mọi ngày, người phụ nữ nhân hậu cảm thấy lo lắng và đích thân tới nhà A Long xem sao. 

Cô phát hiện ra rằng, cha của cậu bé đã lặng lẽ qua đời. Suốt thời gian ông hấp hối trong đau đớn, chỉ có mình A Long ở bên và chứng kiến tất cả. Đến lúc nghe tiếng người, em mới bước ra khỏi phòng và bình tĩnh nói: “Bác ơi, cha con đi rồi, giống như mẹ con ấy…”. Cậu bé không hề khóc, nhưng sự im lặng thê lương và ánh mắt cô độc đến nhói lòng của A Long khiến cho tất cả những người xung quanh phải rơi lệ.

Vì một số thủ tục hành chính rắc rối mà tới tận hai ngày sau, hài cốt của cha A Long mới được đưa tới nhà tang lễ. Trong suốt thời gian ấy, cậu vẫn tiếp tục lặng lẽ ngồi bên, canh giữ thi thể ông cả đêm. Cũng kể từ đó trở đi, A Long không bao giờ nói về cha mình nữa. Sau đó ít lâu, cũng có vài nhà hảo tâm đến xin nhận nuôi cậu bé. Nhưng khi mọi thữ đã chuẩn bị gần như xong xuôi thì kết quả xét nghiệm HIV của A Long cho kết quả dương tính, có nghĩa là em cũng mang trong mình mầm bệnh chết chóc ấy. Vậy là những nhà hảo tâm kia cũng lần lượt “bốc hơi”.

A Long không biết HIV là gì, cậu chỉ biết những người bạn thuở trước từng chơi đùa với mình, nay không dám lại gần em dù chỉ là nửa bước. Đã đến tuổi đi học, nhưng A Long không được đến trường. Khi bàn tay nhỏ xíu của cậu bé bị bỏng vì nước sôi, ngay cả các bác sỹ ở trạm y tế xã cũng không muốn chạm vào vết thương để chữa trị cho em. Thậm chí, bà nội của em, họ hàng ruột thịt cũng không dám sống cùng em. Sinh vật duy nhất luôn sẵn lòng quấn quýt bên A Long chỉ có chú chó Lão Hắc.

Có một thời gian ngắn. A Long từng được theo học lớp vỡ lòng tại một ngôi trường tiểu học của huyện. Tuy nhiên, chuyện đó không kéo dài được bao lâu. Hiệu trưởng Trần cho biết tin cha mẹ A Long chết vì căn bệnh thế kỷ đã lan ra khắp làng và ai cũng biết bản thân cậu bé đang mang trong mình virus HIV. Vì vậy, để em được đến trường là một việc hết sức gian nan. 

Nhà trường phải đối mặt với quá nhiều áp lực. “Trường chúng tôi có khoảng 200 em học sinh. Ngần ấy đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau thật khó tránh khỏi va chạm những lúc chơi đùa, thậm chí là cãi vã và cả xô xát. Vậy các bậc phụ huynh khác sẽ nghĩ sao đây?”, hiệu trưởng Trần nói. Tháng chín năm nay, bà của A Long đã xin gặp ông để năn nỉ cho cậu bé được vào học lớp một. Nhưng khi cha mẹ của các học sinh khác biết được điều đó, họ đồng loạt ký tên vào bức thư phản đối. Cuối cùng, nhà trường cũng đành chấp nhận phải chịu thua.

“Về trường hợp của A Long, chúng tôi đã lập tức gửi báo cáo lên Bộ Giáo Dục. Ban giám hiệu và ủy ban nhân dân xã cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn bạc về vấn đề này nhưng vẫn chưa thể đưa ra được quyết định cuối cùng của mình”, đó là câu trả lời “chung chung” của đại diện nhà trường khi phóng viên hỏi đến. Một phụ huynh đứng gần đó ngắt lời: “Nếu thằng bé được nhận vào học thật thì tôi đành phải chuyển con tôi sang trường khác. Tôi thấy vô cùng lo lắng”.

Cậu bé kiên cường

Sau cái chết của cha, dường như chỉ qua một đêm, A Long đã trưởng thành lên rất nhiều. Bi kịch này cứ nối tiếp bi kịch khác giáng xuống gia đình em, nhưng em không hề rơi, dù chỉ là một giọt nước mắt. Mới sáu tuổi đầu, em đã học được cách tự nấu ăn, giặt giũ quần áo, cách sắp xếp công việc trong ngày. Tối đến, em lại chong đèn, tự mình giở sách ra học chữ, không cần ai nhắc nhở hay thúc giục. Dẫu đơn độc trên cõi đời này, em vẫn kiên cường sống tốt.

Mỗi khi có người lạ đến thăm, giống như bao đứa trẻ khác, lúc đầu A Long tỏ ra rất rụt rè và xấu hổ, nhưng chỉ lát sau, khi đã quen, em lâp tức nghịch ngợm vô cùng. Cậu nhoc thích thú khi được chụp ảnh và còn hứng chí biểu diễn vài đường võ thuật Trung Hoa. Thật khó có thể tin rằng, đứa bé ngây thơ và hoạt bát ấy lại từng phải tận mắt chứng kiến cái chết bi thảm của cả cha lẫn mẹ và giờ đây đang phải vật lộn với cuộc sống một mình. Nhưng bản thân A Long lại chẳng hề thấy sống một mình có gì là bất hạnh cả. Nhất là khi em còn có Lão Hắc bên cạnh.

Chú chó mực này, gia đình A Long nuôi từ mấy năm nay. Khi cậu bé nhận thức được thế giới xung quanh thì “anh chàng bốn chân” đó đã ở bên cạnh rồi. Con chó là người bạn thân thiết và là người bạn duy nhất của em. Mỗi đêm, kể cả khi đi ngủ, A Long cũng không bao giờ đóng cửa. Vì thỉnh thoảng Lão Hắc sẽ chui vào nhà, nằm ngay dưới chân em. Hoặc nếu không chú ta cũng sẽ quỳ phục trước cửa, dựng đôi tai lớn nghe ngóng vào màn đêm để canh gác giấc ngủ cho cậu chủ nhỏ của mình. Lão Hắc không thích sủa khi gặp người lạ, và thậm chí đôi khi còn tỏ ra bẽn lẽn tới mức vội vã nấp vào trong nhà mỗi lần có ai đó đến thăm. 

Thế nhưng, chỉ cần A Long gọi một tiếng “Lão Hắc” thì chú ta sẽ ngay lập tức xuất hiện, vui mừng và trìu mến chạy vòng quanh chân cậu bé. Em nhanh chóng quỳ xuống, nâng hai chân trước của Lão Hắc lên rồi ghé sát vào đầu chú. Lão Hắc nhẹ nhàng liếm lên mặt A Long bằng chiếc lưỡi mềm mại và ấm áp khiến cho em bật cười khanh khách. Có một sợi dây gắn bó rất lạ lùng giữa cậu bé và chú chó. Hai người bạn không thể trò truyện nhưng cũng chưa bao giờ cần đến lời nói mới có thể hiểu được nhau.

Dù thế nào thì một cậu bé mới có sáu tuổi vẫn cần có người chơi cùng. Nhưng những đứa bạn cũ của A Long không muốn đến gần cậu nữa. Hồi trước, vẫn có một đứa bé họ Lương vẫn thường lén tới đây thăm em, nhưng lâu nay không thấy xuất hiện. Có lẽ, cha mẹ thằng bé đã phát hiện ra và cấm nó bén mảng tới gần ngôi nhà bệnh tật này. Tâm hồn trẻ con vốn ngây thơ và lương thiện nhưng những gì người lớn “bơm” vào đầu óc chúng sẽ trở thành thứ định kiến độc ác đeo đẳng suốt cuộc đời. 

Có lẽ vì lờ mờ nhận thức được điều đó mà mỗi khi có ai hỏi, A Long đều trả lời rằng: “Không muốn xuống núi vì thấy không quen”. Dẫu nói thế nhưng em vẫn dành hàng giờ liền với tâm trạng buồn bã nhìn xa xăm ra con đường duy nhất nối ngôi nhà đơn độc của mình với thế giới bên ngoài. Đến khi những tia sáng cuối cùng dần tắt, A Long mới bắt đầu đứng lên và đi chuẩn bị bữa tối.

“Cháu tự biết nấu cơm à?”, một chú đến thăm lần đầu hỏi A Long với vẻ mặt vô cùng ngạc nhiên không hề giấu giếm. Cậu nhóc gật đầu và thậm chí còn giơ bàn tay trái của mình ra. Giữa ngón trỏ và ngón cái là một vết thương lớn đã đóng vảy trông thật tội nghiệp. Thế nhưng, A Long tỏ ra vô cùng bình thản khoe rằng đã tự làm mình bị bỏng trong lúc nấu ăn mấy hôm trước. Bây giờ thì nó sắp lành rồi. Lúc em bị đau không có ai bên cạnh an ủi, vỗ về hay chăm sóc và phải một ngày sau mới có người phát hiện ra. Nhưng ngay cả các y tá cũng ngại chạm vào đó cho nên họ chỉ rắc lên vết thương một chút thuốc kháng sinh.

A Long nhanh nhẹn xúc gạo, đỏ vào nồi nhôm, cho thêm nước rồi đặt lên bếp. Cậu bé nhóm lửa một cách khéo léo và rất thành thạo một cách đáng ngạc nhiên. Em vơ lấy nắm cành cây khô, nhét xuống dưới đáy nồi, rồi quẹt diêm châm vào đầu một miếng giấy rác và tống nó vào cùng đống cành khô. Chỉ sau vài giây, ngọn lửa bùng lên ấm áp. 

Khoảng mười phút sau, khi cơm gần chín, em mở nắp nồi và bỏ vào một ít rau bắp cải. Vậy là bữa tối đã xong xuôi. Cơm trắng với rau hấp, đó là những món ăn thường ngày cùa A Long. Chẳng cần dầu mỡ hay gia vị, cậu bé vẫn ăn một cách ngon lành. Phần cơm thừa, em để dành cho Lão Hắc. Bữa ăn đạm bạc đến xót xa, nhưng đối với cậu bé sáu tuổi này, có một bữa ăn như thế đã là tốt lắm rồi. Mới đây, một nhà hảo tâm gửi cho em hai yến gạo và năm cân mì. Chỗ lương thực đó cũng đủ để cho A Long duy trì cuộc sống của mình thêm một thời gian dài.

A Long thường tự mình đi sâu vào núi kiếm củi đun bếp. Với cậu, chuyện đó giống như một trò chơi, một chuyến thám hiểm hơn là một công việc vất vả, nặng nhọc. Vớ được cành cây khô nào, cậu lại hì hục kéo về nhà để dùng dần. Việc giặt quần áo với A Long cũng chẳng khó khăn gì. Có điều vì thân hình bé nhỏ của mình nên em vẫn phải bắc ghế lên mới với tới dây phơi được. 

Nhà A Long không có phòng tắm, chỉ có cái bể lộ thiên xây bằng gạch để hứng nước mưa và em cũng thường đứng ngay ngoài sân để tắm. Mùa đông ở núi rừng phương Bắc vô cùng buốt giá, thành ra việc tắm rửa cũng thêm phần gian nan. Nhưng bí quyết giúp A Long vượt qua là chạy quanh sân và tung hứng với quả bóng nhựa hay đuổi nhau với Lão Hắc một lúc cho nóng người lên trước đã.

Ngày lại ngày trôi qua, A Long vẫn lớn lên xen lẫn giữa lòng thương và cả sự kỳ thị của người đời. Rồi tương lai của cậu bé sẽ đi về đâu vẫn là một dấu hỏi lớn mà chua một ai có câu trả lời. Nhưng một đứa trẻ sớm trưởng thành và ngoan cường đến thế, chắc chắn sẽ sống thật tốt, dẫu cho có bất kỳ khó khăn nào đang rình rập phía trước…

Người có hay | amnhac.xzone.vn

Người có hay | amnhac.xzone.vn