Tin Thường Ngày.

Các Tin Tức Thường ngày trong cuộc sống chúng ta.

Tin Tức, Chuyện Lạ, Người đẹp

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Cách đối xử rất hay với những người ghét mình

Trong một ngôi chùa cũ nát, sau khi tiểu đệ tử cứ phàn nàn than vãn hoài không ngớt, vị lão hòa thượng hỏi một câu đã giúp cậu bừng tỉnh: “Chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông?”…
Trong một ngôi chùa cũ nát, tiểu hòa thượng chán nản thất vọng nói với lão hòa thượng: “Trong cái chùa nhỏ bé này chỉ có hai hòa thượng chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác với chúng ta, còn thường xuyên gọi con là hòa thượng hoang.Họ cho chúng ta tiền hương khói càng ngày càng ít đến thê thảm”. Tiểu hòa thượng nói tiếp: “Hôm nay con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn thành một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt như Sư Phụ nói, con e là không thể”.

Lão hòa thượng khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại lẳng lặng nghe, tiểu hòa thượng cứ nói và cằn nhằn liên miên… Cuối cùng lão hòa thượng mở mắt to hỏi: “Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?” Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói: “Con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!” Lão hòa thượng nói: “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm đi”.

Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn chui vào trong chăn ngủ. Một giờ sau, lão hòa thượng hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm không?” Tiểu hòa thượng trả lời: “Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ dưới ánh mặt trời vậy!” Lão hòa thượng nói: “Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp.

Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?” Tiểu hòa thượng nghe xong liền nở một nụ cười nói: “Sư phụ, người thật là hồ đồ đó, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải là do con người làm chăn bông ấm lên mới đúng chứ!” Lão hòa thượng hỏi: “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?” Tiểu hòa thượng nghĩ nghĩ một lát rồi nói: “Mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái”.

Trong bóng tối, lão hòa thượng hiểu ý cười cười: “Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rungchuông, chẳng phải là giống người nằm dưới chăn bông? Còn những chúng sinhkia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc chăn bông lạnh như băng kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm.

Lúc đó “cái chăn bông” dày kia cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong “cái chăn bông” như vậy, chẳng phải rất ấm áp sao? Ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt, còn có thể là trong mơ được sao?” Tiểu hòa thượng nghe xong liền bừng tỉnh mà hiểu ra hết. Bắt đầu từ ngày hôm sau, tiểu hòa thượng đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên.

Tiểu hòa thượng cũng vẫn gặp phải những lời ác như trước đây. Thế nhưng tiểu hòa thượng trước sau gì đều giữ vững thái độ nho nhã và lễ độ đối xử với mọi người. Mười năm sau… Chùa Bồ Đề đã trở thành ngôi chùa có diện tích hơn mười km, có rất nhiều hòa thượng, khách hành hương tới không ngớt.

Tiểu hòa thượng cũng đã trở thành vị sư trụ trì. Kỳ thực trên thế giới này, chúng ta đều là đang nằm trong chăn bông, người khác chính là chăn bông của chúng ta. Khi chúng ta dụng tâm đi sưởi ấm chăn bông thì chăn bông cũng sẽ giữ ấm cho chúng ta. Ngủ…đắp…cả một đời, vậy mà hôm nay mới biết… Hóa ra mối quan hệ giữa người và chăn bông là như vậy, thật là có đạo lý phải không?

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Sách sử ghi chép về những lần rồng xuất hiện

                              (Ảnh: eth.qipaoxian.com)

Rồng đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của văn hoá cổ truyền của Việt Nam và Trung Hoa, đã trở thành biểu tượng tâm linh mạnh đối với người của hai dân tộc này. Vậy rồng có thực sự tồn tại không? Các sách lịch sử của Trung Hoa đã ghi chép nhiều trường hợp tận mắt chứng kiến sự xuất hiện của rồng, điều đó thật hấp dẫn để kiểm tra lại xem rồng có thực sự tồn tại hay không.

Phần tạp ký của “Ký sự về Huyện Nghĩa” từ triều đại nhà Thanh viết như sau: “Vào năm 1503 sau Công Nguyên (Triều Minh, năm Hồng Di thứ 16), 5 con rồng đã bay lượn trên không trung khoảng 10 lý (3 dặm) phía bắc cổng thành của huyện Nghĩa, tỉnh Hà Nam. Sau một lúc lâu ở trên cao, chúng rơi xuống đất, và không thể bay lên lại được nữa.

                          (Ảnh: eth.qipaoxian.com)
 

Mây kéo đến đầy trời và biển bắt đầu nổi sóng. Một vị Thần trong trang phục màu xanh lá cây từ trên trời đáp xuống và ngay lập tức được vây quanh bởi những con rồng đã rớt xuống. Một lúc sau, mây tản hết và biển trở nên yên tĩnh. Năm con rồng vẫn chưa thể bay đi. Bấy giờ, một vị thần màu xanh lá cây khác hạ xuống, và những con rồng bò quanh ông ta. Đột nhiên bầu trời trở nên tối mịt. Những đám mây lớn và sương mù dày đặc xuất hiện trở lại. Cuối cùng khi bầu trời sáng trở lại, các vị thần và năm con rồng đã bay đi mất.“

Phần Những hiện tượng Kỳ lạ và Hiếm thấy trong “Ký sự về thiên triều Gia Tĩnh”, cũng kể một câu chuyện tương tự: “Vào tháng 9 năm 1588 sau Công nguyên, một con rồng trắng đã được phát hiện trên hồ Bình thuộc huyện Bình Hồ, tỉnh Triết Giang. Nó đã bay lượn trên mặt hồ, chiếu sáng một nửa bầu trời với ánh sáng đỏ.”

                         (Ảnh: totem95.blogspot.com)
 

Người chứng kiến là Shen Maoxiao, một vị quan chép sử cho triều đình, đã nhìn thấy một vị Thần với trang phục màu tím và một vương miện bằng vàng, cao hơn 30 mét, đứng giữa những cái sừng của con rồng. Vị thần này cầm một vật có hình cây kiếm. Một quả cầu ánh sáng to cỡ một cái đấu (một dụng cụ đo lường hình thang ở Trung Quốc) xuất hiện bên dưới đầu của con rồng.

Phần Những hiện tượng Kỳ lạ và Hiếm thấy trong “Ký sự về thiên triều Tống Giang” đã ghi chép một sự việc được chứng kiến xảy ra 20 năm sau sự kiện con rồng trắng được trông thấy ở huyện Bình Hồ. Vào tháng 7 năm 1608 sau Công nguyên, một con vật màu trắng giống như rồng xuất hiện từ hồ Bình đã được nhìn thấy trên sông Hoàng Phố ở huyện Tống Giang, Thượng Hải. Còn có môt vị Thần đứng trên đầu con rồng đó.

                           (Ảnh: https://bbstop.amassly.com)
 

Phần Ngũ Hành trong “Ký sự về triều Hậu Hán” sau này được trích dẫn trong phần Hiện tượng Kỳ lạ của ‘Ký sự về huyện Lạc Dương”, đã ghi chép một trường hợp nhìn thấy rồng trong hoàng cung. Lưu Hồng, Hoàng đế của triều Đông Hán, có kinh thành nằm gần thành phố Lạc Dương ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam; cung điện Văn Minh có thể là nơi ông đã cư ngụ.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 178 sau Công nguyên, một vật đen khổng lồ rơi từ trên trời xuống sân phía đông của cung điện Văn Minh. Vật thể có hình tròn và giống như mái che của xe ngựa ngày xưa. Nó dài 20 mét, và lướt đi nhanh chóng, phát ra ánh sáng nhiều màu sắc. Vật thể này có một cái đầu, nhưng không có chân và đuôi, Nó trông giống một con rồng, nhưng có thể là không phải.

Phần Ngũ Hành trong “Biên sử của triều Nguyên” viết như sau: “Vào tháng 7 năm Chí Nguyên thứ 27 [tháng 8 năm 1290 sau Công nguyên], có một con rồng xuất hiện gần núi Long Sơn ở huyện Lâm Tùng, tỉnh Sơn Đông. Con rồng có khả năng làm cho một tảng đá lớn nặng nửa tấn lơ lửng trên không trung.”

                        (Ảnh: thegioitranhsondau.net)

Vào năm Cát An thứ 24 thuộc triều Đông Hán (219 sau Công nguyên), một con rồng vàng xuất hiện trên sông Trì Thủy thuộc thành phố Vũ Dương, và ở đó trong suốt 9 ngày trước khi rời đi. Một đền thờ được xây dựng và một bia đá được dựng lên trong đền thờ để ghi danh sự xuất hiện của con rồng.

Vào tháng 4, năm Vĩnh Hà thứ nhất, triều Đông Tấn (345 sau Công nguyên), hai con rồng, một trắng và một đen, xuất hiện ở núi Long Sơn (dịch theo nghĩa đen là “núi Rồng”). Mộ Dung, Hoàng đế nước Yên, đã dẫn các quan trong triều lên ngọn núi này và tổ chức một lễ tế cách chỗ hai con rồng 200 thước.

Các sách lịch sử địa phương từ triều Minh và triều Thanh cũng có chép những trường hợp nhìn thấy rồng. Theo “Ký sự về thiên triều Lâm An”, năm Sùng Trinh thứ 4 (1631 sau Công nguyên), một con rồng lớn đã được nhìn thấy trên hồ Kỳ Long (nghĩa là “hồ Rồng kỳ lạ”), phía đông nam huyện Thạch Bình, tỉnh Vân Nam.

Bản ghi chép đã viết: “Râu, chân, và vảy của con rồng nổi trên mặt nước, và con rồng dài khoảng vài chục mét”. Con rồng này có thể đã xuất hiện nhiều hơn một lần ở núi Long Sơn (núi Rồng) và hồ Kỳ Long (hồ Rồng kỳ lạ), do đó điều này giải thích cho việc đặt tên cho những địa danh này.

                                (Ảnh: bongdaplus.vn)

“Ký sự bổ sung của triều Đường” đã ghi chép rằng vào một ngày trong năm trị vì cuối cùng của Hoàng đế Hàm Thông, một con rồng đen đã rơi xuống mặt đất trong vùng lãnh thổ của huyện Thông Thành, và chết ở đó vì một vết thương trên cổ. Chiều dài đầy đủ của con rồng đo được là 30 mét, một nửa số đó là đuôi.

Cái đuôi có hình phẳng. Vảy của nó như vảy cá. Trên đầu có 2 cái sừng. Râu của nó mọc bên cạnh miệng dài khoảng 6m. Chân của nó, mọc ra từ dưới bụng, có một lớp màng màu đỏ che phủ.

“Thất Kinh Thư” của Long Anh chép rằng vào một ngày trong năm trị vì cuối cùng của hoàng đế Thành Hóa, triều Minh, một con rồng đã rơi xuống trên bãi biển huyện Tân Thủy, tỉnh Quảng Đông. Nó đã bị những người dân chài địa phương đánh chết. Con rồng cao như một người lớn, và dài hàng chục mét. Nó trông rất giống con rồng trong những bức tranh cổ chỉ trừ cái bụng của nó màu đỏ.

Một con rồng đã chết được tìm thấy bên bờ hồ Thái Bạch vào năm Thiếu Hưng thứ 32, triều Nam Tống (1162 sau Công nguyên). Nó có râu dài và những cái vảy rất lớn. Cái lưng màu đen và cái bụng màu trắng. Những cái vây mọc ra từ lưng, và hai cái sừng thò ra từ đầu. Nó bốc mùi xa hàng dặm.

                      (Ảnh: s121.photobucket.com)
 

Những người địa phương đã phủ nó lại bằng một tấm chiếu. Quan lại đã cho người đến làm lễ cúng tế tại đó. Tuy nhiên, sau một đêm sấm sét dữ dội, con rồng đã biến mất. Chỉ còn lại một cái mương nơi nó đã nằm.

“Biên sử về Thiên triều Vĩnh Bình” chép rằng, vào mùa hè năm Đạo Quang thứ 19 (1839 sau Công nguyên), một con rồng đã rớt từ trên trời xuống vùng hạ lưu sông Luân Hà, ở huyện Lao Đình. Con rồng nằm quay đơ, ruồi bọ vây quanh. Người dân địa phương làm một cái mái che để bảo vệ nó khỏi nắng, và phun nước lên người nó. Ba ngày sau, sau một đêm giông bão, con rồng đã bay đi.
 

Những trường hợp chứng kiến thời hiện đại

Nhiều sự kiện trong thế kỷ trước cũng được cho là những trường hợp nhìn thấy rồng.

Vào tháng 8 năm 1944, hàng trăm người từ làng Chenjiayuanzi, huyện Phù Du, phía bắc của sông Tùng Hòa Giang đã vây quanh một con vật màu đen nằm trên bờ sông. Yen Dianyuan, một nhân chứng, đã kể rằng con rồng dài chừng 7 mét và trông giống một con thằn lằn. Mặt của nó giống hệt như mặt của con rồng được vẽ trong các bức tranh cổ, với bảy hoặc tám cái râu dày và cứng. Thân trên có đường kính khoảng một phần ba mét. Bốn cái chân của nó bị lún sâu vào cát. Lớp vảy như vảy cá sấu phủ đầy thân nó.

                    (Ảnh: khoquatrai.blogspot.com)

Vào mùa hè năm 1953, một con vật chưa được xác định đã rớt từ trên trời xuống một nơi gần phía nam tỉnh Hà Nam. Theo miêu tả của một số nhân chứng, con vật trông giống một con cá mập khổng lồ. Mùi thối rữa của nó thu hút vô số ruồi nhặng. Nếu nó là một con cá mập, nó phải sống dưới vùng biển sâu. Tại sao nó lại rớt từ trên trời xuống? Trường hợp này có thể liên quan đến những con rồng rơi xuống từ bầu trời được ghi chép trong lịch sử.

Vào ngày 4 tháng 8 năm 2000, một trận mưa như trút nước xuống làng Hắc Sơn Tử, Trung Quốc, và sau đó ngôi làng được bao phủ bởi một làn hơi nước nóng. Đột nhiên, những đám mây dày từ bầu trời sà xuống và cuộn dọc trên mặt đất. Người dân trong làng vô cùng hoảng sợ, vì họ chưa bao giờ thấy một loại thời tiết như vậy trước đó. Họ ở yên trong nhà và tất cửa ra vào và cửa sổ đều đóng kín.
 

Có một chàng trai trẻ đã bước ra ngoài xem chuyện gì đang xảy ra. Chẳng mấy chốc anh ta đã ở ngoài rìa làng, và đột nhiên anh ta kinh ngạc vì nhìn thấy cảnh tượng hai con vật trông giống rồng, một con màu đen và một con màu trắng, nằm trên mặt đất trước mặt anh ta. Anh thấy rằng, những cái sừng, những cái vảy, những cái chân, và đuôi của hai con vật giống hệt với những con rồng trong các bức tranh truyền thống ngoại trừ râu của nó ngắn hơn. Anh ta quay đầu chạy về làng nhanh hết mức có thể, và la lên: “Đi xem rồng bà con ơi, đi xem những con rồng từ trên trời rơi xuống!”

Tin tức nhanh chóng lan rộng khắp vùng. Cảnh sát, các quan chức, các vị học giả đều đến ngôi làng Hắc Sơn Tử để điều tra. Cảnh sát bắt đầu giải tán đám đông, để lại một vài người canh chừng hai con rồng.

Sau đó, một trận gió mạnh cuốn những đám mây đen cuộn lên cuộn xuống. Khi nó đi qua, con rồng màu trắng đã biến mất khỏi những đôi mắt chăm chú nhìn của mấy người bảo vệ. Các quan chức không thể giải thích sự biến mất đó, và họ đều thấy chán nản về con rồng màu đen vẫn nằm ở trên mặt đất.

Một nông dân nói: “Tôi từng nghe điều tương tự thế này đã xảy ra nhiều năm trước, và người ta tưới nước cho con rồng để cho nó về nhà.” Ông đã sai một vài người trẻ tuổi trong làng lấy chiếu và dựng một mái che cho con vật đó. Rồi họ chở nước bằng xe cút kit, phun nước lên chiếu để nước có thể chảy xuống lưng nó. Cho đến tháng 12 năm 2000, con vật vẫn còn sống.

Khi trời bắt đầu tối vào lúc 6 giờ chiều ngày 18 tháng 9 năm 2000, ở thành phố Vụ Tùng, tỉnh Cát Lâm, một chùm ánh sáng kỳ lạ đã phóng ra từ vùng trời phía tây bắc của thành phố, và nó trở nên sáng hơn và nhiều màu sắc. Sau đó, một sinh vật trông giống rồng đã xuất hiện. Miệng, râu, chân, và vảy của nó đều có thể được nhìn thấy rõ ràng. Con rồng hiện hình khoảng 20 phút. Cuối cùng, ánh sáng mờ dần thành đỏ thẫm trước khi nó từ từ biến mất.

Rồng có phải chỉ là những điều tưởng tượng trong thế giới tâm linh, hay chúng thực sự hiện hữu vật chất? Đó vẫn là một điều bí ẩn đối với chúng ta ngày nay!

Theo Tindachieu
Đại Khả biên tập

Ý nghĩa sâu xa của chữ nhân (人) trong tiếng Hán

Đời người tựa như leo núi, từng bước từng bước hướng lên mà leo. Nhưng khi đã lên đến đỉnh núi thì lại từng bước từng bước hướng xuống.

Chữ Hán cổ xưa là chữ tượng hình, tượng thanh. Trong mỗi chữ Hán cổ xưa đều bao hàm một ý nghĩa sâu xa. Chữ nhân (人) trong tiếng Hán có nghĩa là “người” trong tiếng Việt chỉ cần hai nét bút là viết xong. Kỳ thực, viết chữ nhân (人) thì rất đơn giản nhưng làm người thì lại rất khó!

Nhân sinh muôn màu, muôn vẻ nên điều khó là làm sao để mỗi bước đi đều thuộc về bản thân mình. Bạn đã từng nghĩ đến hàm nghĩa, ý nghĩa của chữ nhân (人) là gì chưa? Dưới đây xin đưa ra một số ý nghĩa sâu xa của chữ nhân (人) để mọi người tham khảo!


1. Một nét biểu thị sự phát triển, một nét biểu thị cho sự già yếu

Đời người chính là một quá trình trao đổi chất, thay cũ đổi mới, cái mới không ngừng được sinh ra và cái cũ không ngừng bị đào thải đi. Con người chỉ có không ngừng thu nạp những vật chất mới được sinh ra và loại bỏ đi những thứ mục nát thì mới có thể sửa cũ thành mới, phát triển khỏe mạnh.


2. Một nét biểu thị cho sự tiến lên, một nét biểu thị cho sự thoái lùi

Đời người tựa như leo núi, từng bước từng bước hướng lên mà leo. Nhưng khi đã lên đến đỉnh núi thì lại từng bước từng bước hướng xuống. Những người kiên trì leo được lên đến đỉnh cao là người đáng kính, nhưng lên đến đỉnh cao mà không lưu luyến địa vị, có thể lên được xuống được mới là người đáng trân quý.


3. Một nét biểu thị cho niềm vui, một nét biểu thị cho phiền não

Niềm vui và phiền não, hạnh phúc và thống khổ đều song hành tồn tại, có thể khích lệ nhau tiến lên. Con người khi trải qua phiền não thống khổ mới cảm nhận hết được niềm hạnh phúc của cuộc đời.


4. Một nét là thuận cảnh, một nét là nghịch cảnh

Cuộc đời có thuận cảnh và nghịch cảnh, thậm chí nghịch cảnh còn nhiều hơn thuận cảnh. Trong cuộc đời, những điều không được như ý muốn luôn nhiều, chính là để xem chúng ta đối mặt như thế nào. Có thể vượt qua nghịch cảnh, bạn mới tìm được giá trị của bản thân cũng như ý nghĩa cuộc sống của mình.
Nhà Quảng Cáo


5. Một nét là trả giá, một nét là thu hoạch

Nếu bạn trả giá nhiều hơn một chút thì đương nhiên bạn cũng thu hoạch được nhiều thành công hơn một chút. Đôi khi mất đi không phải là điều đáng buồn, không phải là một loại tổn thất mà lại là một loại kính tặng, hiến dâng…


6. Một nét là quyền lợi, một nét là trách nhiệm

Mỗi người đều có quyền lợi làm người nhưng cũng phải gánh vác trách nhiệm làm người.


7. Một nét là bản thân, một nét là người yêu thương

Vợ chồng là “trợ thủ đắc lực” của nhau. Tay trái xách đồ vật mệt mỏi, không cần mở miệng nhắc nhở, tay phải cũng tự nhiên đưa qua xách thay. Tay trái bị thương cũng không cần kêu la, cầu cứu, tay phải tự nhiên sẽ gánh vác thay cho tay trái.


8. Một nét là bạn bè, một nét là đối thủ

Quá trình phát triển của một người không bao giờ tách xa khỏi bạn bè, có nhiều bạn bè sẽ có nhiều con đường. Có đôi khi bằng hữu chính là đối thủ mà có khi đối thủ lại chính là bằng hữu. Có bằng hữu và đối thủ, cuộc đời mới không hết động lực.


9. Một nét là nửa đời trước, một nét là nửa đời sau

Nửa đời trước bén rễ, nảy mầm, nở hoa. Nửa đời sau kết quả, thu hoạch, cất trữ. Đường đời mặc dù dài nhưng điều quyết định có khi chỉ là mấy bước cuối cùng.

Chữ nhân (人) bao gồm hai nét, thiếu một nét sẽ không thành. Hai nét phối hợp với nhau, phụ trợ cho nhau mới trở thành nhân sinh hoàn chỉnh.

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch