Tin Thường Ngày.

Các Tin Tức Thường ngày trong cuộc sống chúng ta.

Tin Tức, Chuyện Lạ, Người đẹp

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Nhạc số: Rẻ, rẻ nữa, rẻ mãi


Nhạc số: Rẻ, rẻ nữa, rẻ mãi

Nhạc số là một lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ, xuất hiện cùng với sự bùng nổ của các công nghệ và thiết bị nghe nhạc di động trong vòng 10 năm trở lại đây. Sự mới mẻ của khái niệm nhạc số, cùng với sự khác biệt về hành vi người dùng ở các nền văn hoá khác nhau là nguyên do mô hình kinh doanh nhạc số rất đa dạng và chưa có một quy chuẩn rõ ràng. Nhân dịp Việt Nam thực sự khai thác tiềm năng nhạc số với việc 5 trang web lớn đồng loạt thu tiền tải nhạc, xin giới thiệu tình hình dịch vụ download nhạc số ở một số thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới.
1. Mỹ: "Chiến trường" hậu Napster
Shawn Fanning, lập trình viên đã phát triển Napster
Kể từ khi dịch vụ chia sẻ nhạc miễn phí Napster bị thua kiện Hiệp Hội Công nghiệp Ghi Âm Mỹ, thị trường nhạc số của Mỹ đã có những bước thay đổi đáng kể.  Hai năm sau ngày Napster đóng cửa, iTunes Store ra đời, và trong vòng 5 năm đã trở thành dịch vụ bán nhạc phổ biến nhất ở Mỹ. Vào năm 2007, một ông lớn nữa cũng nhảy vào thị trường nhạc số: Amazon với dịch vụ Amazon MP3.
Giao diện iTunes Store
Về mặt kĩ thuật, hai siêu thị nhạc điện tử này có khá nhiều điểm tương đồng. Các file nhạc được rao bán trên iTunes Store có định dạng AAC, chất lượng 256kbps. Trong khi đó, Amazon MP3, đúng với tên gọi, bán nhạc định dạng MP3, cũng với chất lượng 256kbps. Mặc dù định dạng khác nhau, nhưng đối với các dàn chơi nhạc thông thường, bạn sẽ không thể nào nhận ra sự khác biệt giữa AAC và MP3. Amazon cho phép nghe thử 30 giây của một bài hát, trong khi đó iTunes hào phóng hơn với 90 giây cho mỗi bài.
Amazon MP3
Về mặt kinh tế, cả iTunes Store và Amazon MP3 đều lấy 30% từ doanh thu download nhạc, 70% còn lại sẽ do các công ty ghi âm, nhà xuất bản bài hát, nhạc sĩ và ca sĩ chia nhau. Theo thống kê cụ thể, trung bình một ca sĩ nhận được 9,45% và một nhạc sĩ nhận được 5% doanh thu bán nhạc số. Với mức giá thông thường của 1 bài hát download tại Mỹ là 0,99 USD, ca sĩ kiếm được 0,09 USD (9 xu Mỹ) và nhạc sĩ được 5 xu Mỹ. Điều này có nghĩa là: để kiếm được tiền lương căn bản 1160 USD, ca sĩ Mỹ phải bán được 12.399 lượt tải bài hát mỗi tháng. Nếu ca sĩ này kiêm luôn nhiệm vụ nhạc sĩ thì vẫn phải bán được 8.369 lượt tải mới kiếm được số tiền đủ bằng lương thấp nhất của người lao động tại Mỹ.
2. Hàn Quốc: Nhạc số rẻ hơn giấy vệ sinh
Một quảng cáo sự kiện của Soribada
Tại Hàn Quốc,  nơi có đường truyền Internet nhanh nhất thế giới, việc tải nhạc trên mạng là dễ dàng hơn bao giờ hết. Soribada là một trang chia sẻ âm nhạc từ năm 2000, được mệnh danh là "Napster của Hàn Quốc". Soribada cũng trải qua nhiều vụ kiện tụng bản quyền và cuối cùng vào năm 2006 đã chính thức đổi mô hình kinh doanh để trở thành một cửa hàng bán nhạc điện tử. Có hàng chục trang web bán nhạc số tại thị trường Hàn Quốc: Mnet Music Store, Melon, Bugs, Daum, v.v.. Các trang này bán nhạc dạng MP3, với chất lượng có thể lựa chọn từ 128kbps đến 320kbps.
Bảng xếp hạng top 10 thời gian thực của trang web bán nhạc Melon
Một điểm khác biệt với thị trường Mỹ là tại Hàn Quốc, các trang nhạc số thường tận dụng mô hình subscription service (người dùng trả một khoảng tiền mỗi tháng và sẽ được download một số bài hát nhất định, chứ không phải thanh toán theo phương thức trả tiền cho mỗi bài hát download về). Các nhà cung cấp dịch vụ nêu trên sẽ thu 50% doanh thu từ subscription service, còn lại sẽ chia cho các công ty ghi âm, ca sĩ và nhạc sĩ.
IU, nữ ca sĩ mới nổi 2 năm gần đây đã chiếm lĩnh các bảng xếp hạng nhạc điện tử tại Hàn Quốc.
Bán nhạc theo gói subscription có ảnh hưởng lớn đến cách vận hành của thị trường nhạc số tại Hàn Quốc: các nhà cung cấp dịch vụ liên tục tạo áp lực để đẩy giá bán thấp xuống nhằm thu hút khách hàng. Ví dụ, dịch vụ âm nhạc Soribada có hai gói subscription: gói cơ bản có giá 6.800 won (khoảng 6 USD) cho phép bạn tải 40 bài hát trong 1 tháng, và gói Plus giá 11.400 won (khoảng 10 USD) cho phép bạn tải 150 bài hát trong 1 tháng. Như vậy, giá của mỗi bài hát trên Soribada là 170 won (với gói cơ bản) hoặc 76 won (với gói Plus). Cái giá này còn có thể xuống thấp tới 25 won cho mỗi bài hát. Một cuộn giấy vệ sinh ở Hàn Quốc có giá 250 won. Như vậy một cuộn giấy vệ sinh có giá trị tính bằng tiền bằng 10 bài nhạc số ở Hàn Quốc.
Cũng vì bị các nhà cung cấp dịch vụ download nhạc ép giá nên số phận của các ca sĩ Hàn Quốc khá hẩm hiu. Các hãng ghi âm và quản lý đã lấy phần lớn trong 50% doanh thu download mà bên sản xuất nhạc được nhận. Nhạc sĩ Hàn Quốc nếu có tiếng một chút cũng có thể đòi hỏi một phần khá lớn trong doanh thu download. Cuối cùng, ca sĩ trực tiếp hát những bài hát đó không hưởng được bao nhiêu từ cái giá 25 won còm cõi của mỗi bài hát. Cũng chính vì mô hình ăn chia không có lợi cho ca sĩ này mà hiện nay, các sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc đang được đưa lên các nền tảng bán nhạc quốc tế như iTunes để có được sự phân chia lợi nhuận công bằng hơn.
3. Nhật Bản: Thế lực của keitai
Keitai là một thiết bị không thể thiếu trong đời sống người Nhật hiện đại
Keitai (viết gọn của chữ keitai denwa – điện thoại di động) là một loại điện thoại phổ biến ở Nhật Bản, với các tính năng gửi email, nghe nhạc, thanh toán trên mạng, ví điện tử, thẻ quét điện tử, v.v.. mặc dù không phải là smartphone. Ở Nhật, 95% thị trường nhạc số phụ thuộc vào thiết bị keitai này. Các bài hát được tải về keitai gọi là chaku-uta. Nhạc chuông có giá 80 đến 120 yên (1 đến 1,5 USD), còn bản nhạc đầy đủ (gọi là chaku-uta Full) có giá từ 210 đến 410 yên (2,5 đến 5 USD) một bài. Một điểm đặc biệt là các bài hát chaku-uta sẽ chỉ phát được trên chiếc điện thoại đã download bài hát, và không thể chép sang các keitai cũng như thiết bị khác.
Namie Amuro, nữ hoàng của Chaku-Uta với hàng triệu lượt download cho các bài nhạc của cô.
35 đến 50% doanh thu từ dịch vụ bán nhạc chaku-uta được chia cho ca sĩ và nhạc sĩ. Sở dĩ ca sĩ và nhạc sĩ Nhật được ưu đãi như vậy là bởi đơn vị cung cấp các bài hát chaku-uta không phải là những hãng đĩa đơn lẻ mà là Label Mobile, một tổ chức phân phối nội dung nhạc số bao gồm 19 đối tác trong đó có cả các hãng đĩa lớn như Avex và Pony Canyon. Sự lớn mạnh và có tổ chức của bên sản xuất nhạc giúp họ có được lợi thế định đoạt việc phân chia doanh thu download sao cho không bất lợi cho ca sĩ, nhạc sĩ và công ty ghi âm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét