Tin Thường Ngày.

Các Tin Tức Thường ngày trong cuộc sống chúng ta.

Tin Tức, Chuyện Lạ, Người đẹp

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012


Những bài thơ thương vợ

Những bài thơ thương vợ
Huy Nguyên
 
Tình yêu đôi lứa là đề tài muôn thưở của Văn học, và đặc biệt phong phú trong thơ ca 
Việt Nam. Riêng mảng thơ viết về vợ tuy không nhiều lắm, nhưng đậm sắc hương và rất
 sâu tình nghĩa. Có thể trong cuộc sống thường nhật, vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, 
nhưng trong những phút giây lắng đọng, những lúc xa nhau hay phải mất nhau vĩnh viễn, 
nỗi thương xót lại trào dâng và đọng thành những vần thơ đau thương, đong đầy nước mắt. 
Không có điều kiện để nói đến tất cả, xin lướt qua vài bài thơ hay, để tâm niệm tình nghĩa vợ 
chồng.

1. Thơ ca Trung đại có nhiều bài thơ thương nhớ vợ của các nhà nho nổi tiếng. Từ Nguyễn 
Trãi “Nhớ Thị Lộ”, Nguyễn Kiều (1694-1771) khóc vợ là Đoàn Thị Điểm  (1705-1748)Ngô
 Thì Sĩ (1726-1780) với Khuê Ai LụcNgô Thì Nhậm (1746-1803) Hoài nội (nhớ vợ )
đến Nguyễn Khuyến (1835-1909) khóc vợ “Điếu nội” …tất cả đều với từ ý sâu đậm, âm điệu
 thảm thiết. Nhưng hai bài thơ hay, được nhắc đến nhiều nhất, có lẽ là “Khóc Bằng Phi” và
 “Thương vợ”

Khóc Bằng phi

Ới Thị Bằng ơi đã mất rồi!
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ôi!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.
Đây là một bài thơ Nôm có giá trị văn chương cao, tương truyền là của vua Tự Đức, khóc 
một bà phi tài sắc nhưng chết trẻ của mình. Hai câu luận (5-6) với ý tứ mới mẻ và táo bạo: 
vì quá nhớ thương nên đập vỡ tấm gương mà nàng đã từng soi để mong thấy lại được hình 
ảnh của nàng trong đó, và xếp chiếc áo cũ mà nàng đã từng mặc, đem cất kỹ để thỉnh thoảng
 giở ra tìm chút dư hương. Quả thật đây là một áng thơ hay, nhưng đáng tiếc là chưa biết chắc
 được tác giả của nó là ai. Bằng những cứ liệu văn học và lịch sử, một số người cho rằng tác
 giả bài thơ đó không phải là vua Tự Đức. Tự Đức(1829-1883)  sống cách chúng ta trên một
 thế kỷ rưỡi, còn bài "Khóc Bằng phi" thì mới xuất hiện trên sách báo cách đây chỉ khoảng 75
 năm với phong cách thơ lãng mạn, trữ tình.

Bài thơ “ Thương vợ” của Trần Tế Xương  (1870-1907) cũng là một bài thơ hay nổi tiếng, 
được giảng dạy trong chương trình Văn Học 11. Nhân vật trữ tình là Bà , điển hình cho 
biết bao người đàn bà âm thầm chịu đựng khó nhọc vì chồng con. Bài thơ đã khắc họa  sinh
 động hình ảnh người vợ hiền sớm hôm tần tảo, quanh năm thân cò lặn lội buôn bán để có 
thể "nuôi đủ năm con với một chồng ". Gánh nặng gia đình đặt trọn lên đôi vai của bà Tú. 
Nhà thơ Tú Xương hiểu rõ điều đó lắm nên giọng thơ Thương vợ chân thành, biểu hiện những
 tình cảm, nghĩ suy rất thực.
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không!
 

Ở bài thơ này, tác giả không chỉ thương vợ, ơn vợ, mà còn tự trách mình đã khiếm khuyết
 trong trách nhiệm làm chồng. Tình thương yêu, quý trọng vợ trong thơ Tú Xương đem lại 
một cảm xúc mới mẻ  cho thơ ca trung đại.
2. Thơ ca hiện đại cũng có nhiều bài thơ viết về vợ, tuy ít bài hay, nhưng kiếm tìm đâu đó 
vẫn có thể bắt gặp vài viên ngọc quý.
"Bài thơ tặng vợ" của Hồ Dzếnh khá hay, rất cảm động. Tác giả mở đầu bằng những lời lẽ 
trân trọng, tình nghĩa:
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Rồi đưa ra tình huống cuối đời, phải lựa chọn:
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau
Và ông đề nghị:
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Ước muốn ấy có vẻ nghịch lý, nhưng là một sự lựa chọn có chiều sâu của tình cảm yêu 
thương, đong đầy trách nhiệm.
Nguyễn Duy được xem là người có thơ viết về vợ nhiều nhất. Ông có có tập thơ “Vợ ơi…” 
(tập hợp 18 bài viết từ 1971 đến 1994)  khiến nhiều người phải giật mình về độ lớn, chiều sâu
 của hình tượng người vợ.
Bài thơ “Vợ ơi…” khắc họa hình ảnh người vợ bình dị mà lớn lao:
Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
Ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời
Lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc
Đói lả mò về
      Cơm đâu
            Vợ ơi…
Vợ là một “Cõi về” đầm ấm, thiết tha:
Cánh buồm mây tướp chiều quê
Ruỗng tênh hênh bịch rơi về cõi em
Đối với Nguyễn Duy, “Vợ ốm” là một đại hạn. Năm ấy, bệnh vợ kéo dài, là “Vợ ơi đại hạn
 đã gần một năm”. Nhà thơ phải từ bỏ cuộc sống "thượng giới rong chơi" để vào vai 
"phăm phăm ngựa thồ", túi bụi lo việc nhà. Chân lý cuộc sống được phát hiện từ những điều
 nhỏ nhặt thường ngày.
Vừa một xuân lại một xuân
Vợ ơi đại hạn đã gần một năm
…………………………………
Cha con chúa Chổm loanh quanh
 Anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia
Việc thiên việc địa việc nhà
Một mình anh vãi cả ba linh hồn…

Nguyễn Duy thường có những câu thơ mạnh về ngữ nghĩa và âm thanh, nhưng khi viết về vợ,
 nhũng câu thơ của anh “Dịu và nhẹ” rất tinh tế:
Nhẹ nhàng tiếng bóng xiêu xiêu
Em ngồi chải tóc muối tiêu dịu dàng
Mỗi độ xuân về, Nguyễn Duy đều có thơ cho vợ. “Mời Vợ Uống Rượu” thể hiện một sự 
trân trọng, yêu thương rất mực. Nghĩ đến nỗi vất vả đến thay đổi cả hình hài của vợ, nhà
 thơ cố nén xót xa, cố vui  « ngọt ngào thì nổi, đắng cay thì chìm”.

Mỗi năm Tết có một lần
mời em ly rượu tay nâng ngang mày
Vợ cười chưa uống đã say
ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm
Gót chân ăn vẹt bậc thềm
quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân
Tóc loay hoay bạc bạc dần
mỗi năm Tết có một lần thôi em.



Hằng ngày vợ cằn nhằn, bao ông chồng khó chịu. Nhưng khi thiếu vắng nó một cách vĩnh
 viễn lại là một nỗi hụt hẫng lớn.  Khương Hữu Dụng nói lên cái trống vắng mênh mông khi 
vợ mất, từ đó thể hiện tình yêu lớn dành cho vợ, mà cả cuộc sống bên nhau dường như 
không thấy được, vì nó bị che lấp bởi những vụn vặt đời thường:


Em luôn miệng cằn nhằn
Kêu mưa rồi trách nắng
Ước gì em đi vắng
Ðược một ngày yên thân

Em vĩnh viễn ra đi
Mênh mong nhà lạnh vắng
Ước gì nghe em mắng
Vui tiếng em cằn nhằn

(Nhớ)
Thuận Hữu thương vợ từ “Những phút xao lòng”. Bài thơ hay, thể hiện một nét tâm lý rất 
sâu và mang tính nhân văn cao.Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu
(Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)
Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế
Yêu một cô, giờ cô ấy đã lấy chồng

Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng
Nên giấu kín những suy tư, không kể về giấc mộng
Người yêu cũ vợ mình có những điều mình không có được
Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn

Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng
Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được
Nghĩ về cái đã qua nhiều khi nuối tiếc
Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn

Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn
Và cảm thấy mình như người có lỗi
(Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói
Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn)

Nguyễn Khoa Điềm bày tỏ rất sâu tinh yêu vợ bằng một cách khác. Ông không đi theo lối
 mòn ca ngợi những khó nhọc đời vợ, mà đưa ra một tình huống “Có một ngày”.  Nếu có 
ngày đó thì tình yêu nhà thơ dành cho vợ vẫn không thay đổi. Đó là một thứ tình yêu một đời,
 dành cho một người!


Ngày em không yêu anh
Ngày em rời mái nhà xưa cũ ấy
Và chiếc áo sờn vai ấy
Anh từng hôn lên nỗi khó nhọc hàng ngày
Em xóa mình đi
Bằng chiếc khăn màu thơm ngát
Cái ngày đó
Anh sẽ bắt đầu
Với anh
Bằng bước chân ngày đón em
Anh một chàng trai
Với màu tóc khác
Riêng năm tháng cuộc đời
Thì vẫn như xưa…
Qua các bài thơ trên, ta thấy mỗi nhà thơ có một cách thể hiện riêng, nhưng tựu trung đó 
là tình cảm sâu đậm của chồng dành cho vợ, cảm thông trân trọng những hy sinh, chịu
 đựng của vợ trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Người vợ đã thành một nguồn
 cảm hứng, là suối nguồn hạnh phúc của các nhà thơ.
Gần đây, qua các website, tôi được đọc một số bài thơ viết về vợ với nỗi niềm thương
 cảm chân thành, xin ghi lại đây để bạn đọc thưởng lãm, tùy ý khen chê.
THI KHÚC LẠY VỢ 

Công em hay lảm hay làm
Tội tôi thơ phú nguềnh ngoàng rong chơi
Nghêu ngao ca đất ngợi trời
Quên em ca cẩm nửa đời đóng băng
Chân đi lục bát loằng ngoằng
Quả tim nhịp trắc nhịp bằng đập suông
Lang thang đau cả mép đường
Yêu chay loang lổ mảng tường phong rêu

Thoắt thôi tóc sớm xế chiều
Đuôi con mắt chạm khắc nhiều chân chim
May còn nửa nổi nửa chìm
Đem phần sống sót này tìm về đây
Nửa đời bám gió leo mây
Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu
Mải mê thơ phú cánh diều
Bỏ trâu gặm cụt nắng chiều mồ côi
Quay về tầm mắt em thôi
Tắm trong giọt lệ thương người phù sinh
Xin em hết sức lượng tình
Cho tôi tìm lại chính mình hôm qua
Bao nhiêu chữ nghĩa hương hoa
Cũng bay về phía thật thà ngày xưa
Lạy em ướt nắng khô mưa
Giận hờn xin đánh tôi thừa một roi!
 Văn Thùy



TẶNG VỢ

Anh biết mà
Em chẳng thể giận hờn lâu
Đằng sau vẻ mặt lạnh lùng cau có
Đằng sau lời vu vơ bóng gió
Anh vẫn nhận ra em
Mồn một dịu hiền ngày xưa

Ôi, cái thằng chồng của em
Lung tung ngày nắng cắn ngày mưa
Cả đời chực ngả về em chịu tội
Thằng chồng rong chơi
Thằng chồng hứa cuội
Lầm lỗi rất siêng năng
Nên sám hối rất chân thành

Em nghệch ngờ trót vớ nhằm anh
Thời con gái mờ xa năm tháng
Chong mắt đợi chờ mòn đêm trắng
Đèn đường khuya trống hoác bóng anh về

Mà anh còn lắm nhiêu khê
Nhùng nhằng thương mây khóc gió
Lo nỗi lo trời ơi giữa chợ
Vui niềm vui chẳng tuổi chẳng tên

Lời tạ tôi muộn mằn và ngớ ngẩn
Anh chắc mà
Em sẽ lại bật cười thôi
Hăm mấy năm gừng cay muối mặn
Hăm mấy năm em vắt cạn lòng mình

Anh biết mà
Em yêu anh và yêu nốt đời anh đầy thói tật
Em yêu anh nên quên mất đời mình

Ơi hạnh phúc mong manh
Ơi hạnh phúc vũng bền
Cả đời ta đuổi bắt
Để cả đời vồ trượt
Tình vợ chồng như sóng chén cứ lanh canh

Và em ơi
Dẫu chi chi cũng trở lại bình thường
Đêm tàn thì vừng đông lại rạng
Cơn mưa rào phập phồng trên đất hạn

Mình lại tìm nhau
Như ngày xưa
Thơm ngát nụ hôn đầu.
Nguyễn Đại Bường

Nhìn chung, các nhà thơ với cảm quan tinh tế và sâu sắc của mình đã nói lên tình cảm
 thương yêu sâu đậm đối với vợ. Điểm chung nhất dễ dàng nhận ra nơi các bài thơ viết 
về vợ là sự nhớ thương, ghi công và biết ơn đối với vợ. Nhà thơ thì luôn bay bổng với
 trời xanh, nhưng vợ thì luôn bị cuộc sống kéo ghì sát đất, với bao lo toan vất vả vì chồng
 con. Bởi thế dù đi đâu, chơi đâu, thì vợ luôn là cõi về no ấm, chan chứa thương yêu! 
Và phải chăng, vợ hiền mất đi  là một trong những nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời mỗi
 người chồng có lương tri?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét